Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

NHỚ BÀ

 Kết quả hình ảnh cho nhớ bà
 NHỚ BÀ  
                           Kỳ Hải
Xuân sáng nay về cháu nhớ trông
Trong căn nhà lá giữa mùa Đông
Không manh chiếu trải lòng bà ấp
Để cháu ngủ say đủ giấc nồng

Xuân sáng nay về cháu nhớ trông
Đường quê thuở ấy lắm cua vòng
Bà đưa cháu vượt truông tìm lớp
Phía ráng chiều in một dáng còng

Xuân sáng nay về cháu nhớ trông
Lời bà nhắn nhủ phút lâm chung
Rằng: “Mai ước thẩy duyên đời cháu
Tiến bước theo người rạng tổ tông?...”

Giờ đây cháu đến tuổi hoàng hôn
Các chắt quây quần đã lớn khôn
Đất nước gian lao chưa phút tĩnh
Nhà nhà gắng gỏi vượt nguồn cơn

Xuân về cháu lại nhớ bà hơn
Tạc dạ bao điều. Cháu tạ ơn,
Giữ mãi niềm tin và khát vọng
Cho đời rực sáng ánh tâm hồn.

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

CÚC HỌA MI


CHÚC NĂM THÂN


CHÚC NĂM THÂN


Thả tứ chào Xuân chúc Bính Thân
Đông đàn, mạnh lũ chốn rừng xanh
Trăng thanh lúng liếng bên hoa lá
Nắng ấm long lanh giữa trái nhành
Lội suối băng ngàn không nản chí
Leo đèo vượt dốc chẳng chùn chân
Hóa thân trấn ngự miền biên ải
Giữ cõi thâm sơn mãi vững lành.
                                   Kỳ Hải


Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

KHI CON KHÔN LỚN


KHI CON KHÔN LỚN MẸ CHA YÊN LÒNG
(Tiêu đề đặt cho các chữ đầu mỗi câu)

Khi đông về xác xao heo may
Con nhỏ dại thân cỏ lá cây
Khôn liệu hôm mai bao ấm lạnh
Lớn suy bữa mốt mấy hao gầy
Mẹ từng hy vọng qua cơ cực
Cha đã ước thề vượt đắng cay
Yên ả muôn chiều trong tổ ấm

Lòng tin ánh sáng rạng đàng tây.
                                    Kỳ Hải

TRƯỜNG HỌC

Kết quả hình ảnh cho TRƯỜNG LÀNG


TRƯỜNG HỌC
(Mỗi câu có một từ chỉ cấu trúc của trường học)

Bàn tính bao năm một việc làm
Mong con đỗ đạt ghế “làm quan”
Bút chưa giũa lưỡi đà suy “lách”
Giấy bị rách lề đã nghĩ “toan”
Trống giục liên hồi bên trước sảnh
Trò đi lững thững dọc hành lang
Cầu Thầy đức tốt tri thâm thúy

Sự nghiệp đăng vào bảng vẻ vang.
                                  Kỳ Hải

RƯỢU VÀ THƠ


Kết quả hình ảnh cho RƯỢU VÀ THƠ

(Thể Song điệp độc vận)

Rượu đã lên men báo tiết Xuân
Ly đầy tiếp bạn Rượu tình Xuân
Nguyên Tiêu xuống núi Rượu vào hội
Đông Chí lên thuyền Rượu tiễn Xuân
Rượu khánh kính dâng mừng tuổi lão
Rượu đào chúc tụng đón thời Xuân
Suối vàng bao kẻ còn ưa Rượu

Mượn Rượu tẩy trần để vọng Xuân.
                                Kỳ Hải

TỪNG THỜI MÀ NGẪM

Kết quả hình ảnh cho thời vận

TỪNG THỜI MÀ NGẪM
(Thể song điệp)

Khó khó khăn khăn đã một thời
Mơ mơ mộng mộng khéo mà chơi
Non còn thấp thấp cao cao nữa
Biển ắt nông nông cạn cạn thôi
Ấm ấm no no muôn kẻ ước
Bần bần rách rách lắm người cười
An nhiên phú phú thi thi vậy

Thực thực không không trải sự đời.
                                   Kỳ Hải

DƯ ÂM TIẾNG TRỐNG TAN TRƯỜNG

NGHE TIẾNG TRỐNG KHAI TRƯỜNG

Lương Văn Trước


Tiếng trống vọng vang các nẻo đường

Người người háo hức nghĩa thân thương

Phổ thông bền chí rèn tâm đức

Trung cấp đua tài luyện kỷ cương

Giám hiệu hân hoan xây nếp sống

Giáo viên náo nức mến ngôi trường

Hẹn mùa phượng nở, ve ca hát

Trống lại ngân rền khắp bốn phương



Trống lại ngân rền khắp bốn phương

Đón mừng thắng lợi thật phi thường

Tú tài vững bước chen trăm hướng

Trò mới xếp đơn bội các phường

Cánh trước mở toang chào khách quý

Cổng sau dang rộng tiễn trò thương

Càng nghe tiếng trống càng xao xuyến

Lòng lại nôn nao muốn tới trường…


DƯ ÂM TIẾNG TRỐNG TAN TRƯỜNG

              Tác giả Kỳ Hải (Họa hoán vận)
                      
Thu về cúc thắm lối vào trường
Gợi lại bao nhiêu những mến thương
Bạn cũ chia tay giờ mấy nẻo
Trò xưa giã biệt đã bao phương
Duyên đò ngang dọc nào neo bến
Phận lái bôn ba chẳng thả cương
Rạo rực lòng ta miền quá khứ
Dư âm tiếng trống buổi tan trường.

Dư âm tiếng trống buổi tan trường
Đọng mãi tình đời nỗi luyến thương
Những cánh chim xanh bay khắp ngả
Bao chùm trái chín tỏa muôn phương
Lơ thơ phượng đỏ rơi đầu xóm
Lác đác cúc vàng nở cuối phường
Mỗi dịp hè đi thu trở lại


Tâm tư xao xuyến đến vô thường…

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

LÁI ẤY ĐÒ XƯA

 


NHỚ TRƯỜNG XƯA
Nguyễn Văn Lan 
(Bài xướng gửi Kỳ Hải)

Bốn chục năm qua một chặng đường
Yêu nghề dạy hoc, mải tầm chương
Từng gieo hạt tím bao miền đất
Từng cấy mầm xanh những mái trường
Lớp lớp đàn em bay khắp nẻo
Tầng tầng thế hệ vượt muôn phương
Nghĩa thầy cô giáo, tình bè bạn
Với mái trường xưa mãi đậm hương


LÁI ẤY ĐÒ XƯA
Kỳ Hải (Họa hoán vận) 
gửi tặng Nguyễn Văn Lan

Nghề thầy gắn bó nghiệp văn chương
Chiêm nghiệm trầm thăng những chặng đường
Trỉa hạt chờ mong ngày ngọt trái
Trồng hoa ngóng đợi buổi thơm hương
Con đò thuở ấy qua bao bến
Kẻ lái năm xưa trải mấy phương
Kỷ ức vơi đầy muôn kỷ niệm

Buồn vui đắng ngọt với nhà trường.
                      21-11-2015

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

LỬA HỒNG

NHEN LÊN NGỌN LỬA NỒNG

Bữa trước, dưới bình minh phía Đông
Màu vàng Tôi thích, Bạn màu hồng
Bạn và Tôi chẳng cùng lăng kính
Tôi với Bạn nào chung khoảng không
Khi núi hiểu bao tầng lớn nhỏ
Lúc sông hay mấy khúc sâu nông…
Nay chiều tận, giá sương tràn xuống
Ta sẽ nhen lên ngọn lửa nồng!

GIÀ AN LẠC
Gốc già để lại trái hoa cành
Cởi áo “quan trường” sống đạm thanh
Cậy cấp - qua thời so bậc cấp
Nhờ danh - hết buổi tỷ công danh!
Hay khi cát bụi bên đồi trắng
Hiểu lúc suối vàng cạnh biển xanh!
Trao gửi niềm tin cho thế hệ
Vui nhân tình - thế thái… an lành.

VẪN ĐÓ NIỀM TIN

Từ Bắc vào Nam cách dặm trường
Một đời bươn trải sống tha phương
Người quê tâm sáng lòng trung thực
Kẻ thị đức cao dạ hiển lương
Bát gạo chia nhau qua lúc biệt
Ngọn rau chung bữa vượt ngày thường
Trên đời có viêc nhìn chưa thấy

Còn đó “nhiễu điều phủ giá gương”.

MỪNG SONG THƯỢNG THỌ







Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

GIỚI THIỆU THI PHẨM MỚI

GIỚI THIỆU THI PHẨM “CẬP BẾN BẢY MƯƠI”
Tác giả Kỳ Hải – Phan Đình Ngân
Huế, Mùa Thu 2015

CẬP BẾN BẢY MƯƠI với 152 bài thơ đường luật, trong đó có 34 bài thơ họa của các bạn thơ (được sắp xếp theo trình tự thời gian gửi về tác giả) và 118 bài thơ của tác giả, gồm 5 phần: 
                       1>Mừng 70 Xuân lập nước
                       2>Cập Bến Bảy Mươi với những bài thơ họa của nhiều bạn thơ
                       3>Tản mãn cùng Tôi
                       4>Thơ phụng họa của tác giả
                       5>Thơ được phổ nhạc
Có thể nói, thơ là tri âm tri kỷ của tôi – Kỳ Hải.  Thơ là môt phần đời sống tinh thần quan trọng của tôi.
Là dân làm thơ không chuyên, cũng như bao nhà thơ khác, mỗi đứa con tinh thần được ra đời đâu dám mong có nhiều bạn đọc tìm về:
Thơ tôi rao bán mấy nay
Chưa ai mua hết, tôi bày ra mua…
Tôi vẫn giữ được thói quen: trong khi vừa tìm đọc và thưởng thức thơ của các thi sĩ, của các bạn thơ, thì vừa đam mê chiêm ngưỡng thơ của bản thân mình vậy. Tôi như vừa là kẻ thả thơ lên bầu trời cao mênh mông rồi chính là người nhặt thơ mình về lại mặt đất rộng lớn để ở mọi nơi mọi lúc trong tâm hồn tôi luôn có thơ.
Khi thả đôi vần hòa nghĩa tử
Lúc xe vài tứ quyện ân sinh. (trích bài “Khi đời có thơ”)

Hay, nhiều khi tôi hình dung thơ trong dòng trôi dạt dào và vô định của sông suối bao la, trong muôn thanh âm ồn ã và câm lặng từ nơi bến bãi, rồi ở đó, tôi đã viết:
Chắp nối dòng trôi bờ vực suối
Góp gom chuỗi lặng bến xe tàu
Để nên mạch chảy theo năm tháng
Tràn xuống bể thơ ngập sắc màu. (trích bài “Ta và Thơ”)

Thơ tôi kể về những gian truân vất vả trong đời sống mọi người, khi thì do thiên tai hạn hán:
Vạt gió phơn cào phía bãi giang
Nắng xanh đổ rát cả rừng hoang
Sông mùa nước kiệt đìu hiu quá
Xao xác trưa hè nỗi ngổn ngang (trích bài ”Sông mùa nước cạn”)

Với bao gian nan về giao thông đi lại ngược xuôi trên những miền bãi ngang thường gặp, như:
Đi sang xóm dưới gai đầy động
Sải ngược làng trên cát xếp đồi (trích bài ”Con đường đã mở”)

Và cả khi lao đao bởi sản xuất kinh doanh còn nhiều bất lợi:
Nghề nông, nghề biển... bao dầu dãi
Làm gốm, ươm tơ... mấy chống chèo (trích bài ”Truyền thuyết Ca trù Cổ Đạm”)

Việc nghèo đói chưa dứt, sự phát triển thiếu bền vững ó đâu đó trên những vùng sâu, vùng xa được chia sẻ trong thơ:
Trên nền đá núi không manh trải
Dưới khoảng đêm rừng chẳng bếp soi
Trẻ nhỏ lang thang mơ lớp học
Người già bệnh tật mộng nơi coi
Bao giờ nghèo đói còn đeo đuổi
Thì nỗi cơ hàn chẳng kịp vơi... (trích bài ”Mái lá lắt lay”)

Cũng không thể phủ định, hôm nay, đâu đó vẫn đang còn thiếu lòng kiên định và len lỏi tính cơ hội:
Chim bằng thấm mỏi bay về núi
Lũ nhái thừa cơ uốn cọng rều (trích bài ”Chiều mờ”)

Dựng ghét bài thương vài tứ viết
Thay đen đổi trắng mấy câu lời
Tranh danh tích lợi đâu là đủ
Dấu mẹo bày mưu mấy mới thôi. (trích bài ”Trò gian chính trị”)

Tuy nhiên, ánh sáng vẫn luôn đầy ắp trên bầu trời. Những năm gần đây, quanh ta đã có sự đổi mới căn bản để hy vọng sẽ ổn định đời sống:
Bây giờ có được con đường mở
Xã biển quê tôi sẽ đổi đời. (trích bài ”Con đường đã mở”)

Và  
Đất nước mừng năm thứ Bốn Mươi
Bắc Nam thống nhất – hết chia đôi
Việt Nam vững bước trên đường mới
Vươn tới tương lai mãi sáng tươi. (trích bài ”Thời gian đỏ”)

Thơ tôi nói về người thân – theo cách viết hướng nội, như bố mẹ, anh em, vợ chồng, con cháu:
Ngẫm sự: Mẹ Cha chỉ có một
Trọn đời giành tất cả cho ta. (trích bài ”Ngẫm sự”)

Chú đã đầu quân lính Cụ Hồ
Vào mùa lúa trổ tiết sang Thu
Ra quân Chú lại về thôn xã
Trọn áo nâu sồng trải nắng mưa. (trích bài “Người em bộ đội”)

Giản dị dịu hiền thân lúa nước
Chân thành mộc mạc nhánh sim đồi
Bên Mình yên ấm và vui – khỏe
Nên một gia phong thỏa mộng đời. (trích bài thơ tự họa “Mình thương”)

Các Cháu giờ đây lớn thật rồi
Hồn nhiên trong sáng tuổi niên thời
Tuổi thơ học tập và rèn luyện
Hướng tới tương lai xứng với đời. (trích bài  thơ tự họa “Cháu yêu”)

Bên cạnh đó, tôi đã nhân cách hóa những con giáp gần gũi với cuộc sống thường niên:
Nào là “con Mão” từ trong bài “Con mèo mướp”:
Có lúc thi tài leo cột bỡn
Đôi khi đọ sức vọt trần chơi
Coi chừng bọn nhắt sờ xơ mép
Cảnh báo sói con gặm cụt đuôi.

Nào là “con Dần”, trích trong bài “Cọp giấy”:
Cháy sém ngày thơ lông cứ đốm
Mài rèn thuở nhỏ vuốt càng tôi
Thương thay mãnh hổ không rừng rú
Họa lắm còn tranh vẽ để chơi.

Nào là “con Dậu”, (trích trong bài “Nhắn chú gà choai”) thì:
Đôi khi cúng tế ngồi bàn thượng
Thi thoảng đỏ đen chọi sới xa
Đẳng cấp khác nhau qua tiếng gáy
Cần gì đấm đá nát xương da.

Nào là "con Thân" (trích trong bài "Thương con khỉ nhỏ"):
Cành cao chẳng sợ leo sưng bụng
Dốc đứng nào lo trượt bể gan
Bắt chước vì chương trình lập sẵn
Ngu ngơ bởi thực tế nghèo nàn.

Là "con Tuất", trích trong bài "Con Cún trông nhà"
Lạ đến canh chừng giương mắt sủa
Quen sang hớn hở vẫy đuôi cà
Trung thành với chủ dù nghèo – vượng
Gắn bó theo nhà mặc cận – xa.

Có cả "con Ngọ" đã vào thơ, từ trong bài  " Vịnh năm Ngựa 2014":
Ngựa thuần mấy bận quên đường cũ
Ngựa chứng bao lần mộng lối hoang
Ngựa đã thắng cương vào thế cuộc
Ngựa tràn khát vọng đỉnh vinh quang.

Không chỉ nhân cách hóa các con vật, mà đến những đồ vật, sông núi, trăng sao, gió mây, cây cỏ... cũng có trong thơ tôi với mong muốn mô tả nội tâm sống động muôn vẻ của chúng theo phong cách hướng ngoại vậy.
Như là đời những chiếc lá mỏng manh trong bài "Đời lá" để cảm nhận sắc lá hóa đời:
Lá trọn đời chăm lo nhựa trắng
Lá từng ngày khát vọng trời xanh
Lá vàng thanh thản rơi về cội
Lá để lại cây trái tím lành.

Hay quan sát "Mùa lá bàng đỏ" để chiêm nghiệm cái nét cội nguồn:
Lá vợi trên nhành rơi xuống gốc
Xuân tràn trước ngõ lướt qua Đông
Đời như chiếc lá bên trời ấy
Cháy hết thời xanh mới rực hồng.

Hoặc là qua bài "Hồn đá" trong thơ tôi, viết về một nét thanh tao bất khuất:
Bao dung tự tại vươn thành núi
Thoáng đãng kiêu hùng vững vách non
Chuyển núi, dời ngàn cam đổi dạng
Nhưng hồn vẫn giữ tấm keo sơn.

Và rồi có cả mùa xoan về trong bài "Xoan vào hạ" để ghi lại một chút bâng khuâng :
Phất phơ gió thoảng hương dìu dịu
Lãng đãng nắng xe cánh tím tươi
Mỗi khi giao cảm xoan vào hạ
Chợt nhớ bao lần Xuân tím trôi.

Cả những vầng trăng luôn biến đổi theo thời gian, trích từ bài "Trăng hẹn" :
Trước tháng dầu non mà chẳng nhạt
Sang tuần mặc khuyết đã không sờn
Đến hẹn lại về không lỗi hẹn
Ngàn năm tròn khuyết vẫn keo sơn

Và có những giây phút đứng trước cơn sóng tự nhiên cho ta cái phiêu lãng, trích ở bài  "Sóng thu"
Đã mấy mùa pha sương đội nắng
Từng bao bận lội suối chao ghành
Sóng Thu xao động tình phiêu lãng
Ở phía dòng trôi bóng rặng xanh.

Và có những cơn "Sóng tình" ngỡ như lăn tăn, cuồn cuộn làm rộn bước đời ta ngay cả khi tưởng chừng như tĩnh lặng:
Lăn tăn, sóng sánh ngày mưa tạnh
Cuồn cuộn, trào dâng tháng lũ trôi
Dẫu khi triều đã sâu về biển
Sóng vẫn còn lưu dấu những thời.

Trong thơ tôi còn có những nét riêng của người làm thơ khi được chung vui uống rượu với bầu bạn, như thể rằng:
Khoái chí liêu xiêu bay với gió
Sầu lòng ngất ngưởng liệng cùng mây (theo bài "Tỉnh - say") :

Hoặc, từ bài "Thơ và rượu" để chia sẻ :
Không danh, chẳng lợi vui thơ rượu
Ắp rượu, đầy thơ thú đất trời
Đáng chi lũ uống chùng ăn xổi
Tàn trước rượu thơ hết thảy rồi.

Hoặc cùng thú chơi cờ ở tuổi cao niên, trong bài  "Cuộc cờ chưa kết" :
Chốt một tìm cơ lên giữa khích
Tịnh đôi tính nước ém biên chơi
Pháo gầm dâng trước rà xe tiến
Ngựa hí sang ngang cản pháo lùi
Tiến thủ đôi bên chưa thắng bại
Trời khuya đã sập ngõ lâu rồi.

Thơ tôi đã viết về các mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông theo những sắc màu chung và riêng

Khi mùa Xuân sang (trích bài "Xuân Sang"), giữa vô vàn chim muông, cỏ hoa tươi mới:
Cau xanh trước ngõ bung hương thoảng
Đào thắm trong vườn ươm nụ tươi
Lảnh lót chuông chùa ngân phía núi
Dập dìu cánh én liệng lưng trời
Mai nay khép lại Đông tê tái
Mở cửa đón ngày Xuân mới tươi.

Khi mùa Xuân về thì mầm hy vọng nhú lên, tinh thần sảng khoái thêm, để :
Dốc đứng đèo cao nào nản chí
Sông sâu vực thẳm chẳng chùn chân
Ất Mùi ước vọng luồng sinh khí
Hạnh phúc – An bình – Vận hội hanh (Trích bài "Bức tranh Dê 2015 ")

Và khi đón thêm một mùa Xuân mới thì cũng chính là ta đã vợi đi một mùa Đông cũ, để nhận ra rằng từ trong mùa Đông ấy đã chớm mở mùa Xuân mai nay:
Lạc chốn giao hòa Đông chớm Xuân
Bên trời man mác sóng giai âm
Mùa đi tuổi ở quên ngày lão
Trái vợi nhánh còn nhớ tuổi mầm (trích bài ”Đông chớm Xuân”)

Với nghề nghiệp, tôi cảm thức đôi điều về cái thần, cái nền của bảng đen phấn trắng :
Bảng sắc thâm đen cho nét chữ
Phấn màu bạc trắng để niêm dòng
Nơi đây tụ hội bao tri thức
Chốn ấy mở mang những tấm lòng. (trích bài "Phấn trắng bảng đen")

Cũng như càng hiểu cái cốt, cái chất của người thầy dạy học là ở cái tâm can:
Đạt phận "trung tâm" là kẻ học
Nên danh "điểm tựa" ở tâm can 
Tâm trong để lái đò về bến
Can vững mà ươm trái chín cành. (trích bài "Người thầy")

Và khi ngẫm về cái sự đời, tôi đã có những trải nghiệm vào thơ:
Chớ bực hoài lời phê phản bác
Đừng vui mãi khúc nhạc hoan ca
Đôi khi kẻ lạ giờ thành bạn
Có lúc đường gần nay hóa xa. (trích từ bài "Ngẫm sự")

Tôi đã cảm nhận một điều rằng : ở lứa tuổi  70 - "xưa nay hiếm" thì "Cảnh nhàn" thực sự đạt tới đỉnh cao - hơn mọi bậc tuổi lão nào hết, vi còn:
Nghe nhạc đôi dòng khi phấn khích
Họa thơ dăm vận lúc thăng hoa
Đã qua phố mạc thời ban sớm
Từng trải làng quê buổi bóng tà...

Và khi đó, mình ngỡ như được rạo rực trong đời sống không vướng bụi trần, ắp đầy thơ mộng :
Ân tình cuộc sống ngời tâm thức
Nơi chốn thế gian cũng Niết Bàn. (Trích theo bài "Ân tình-ĐINHNGAN").
Cũng như :
Lối phố bàng lay bay trút lá
Vườn quê đào lú nhú đơm bông
Sáu Chín Đông qua, Xuân ở lại
Để mà yêu dấu để mà mong. (trích bài "Sáu Chín Đông qua")

Vâng, một vài nét bộc bạch để "Tản mãn cùng Tôi" là thế.
Trở về với bài thơ xướng "Cập Bến Bảy Mươi" mà tôi đã lấy làm tên cho thi phẩm này
để trích 2 câu mở và 2 câu kết trong bài, rằng:
Xuân nay Cập Bến Bảy Mươi rồi
Ngẫm lại từng qua mấy thế thời...
Vun đắp niềm tin và khát vọng
Thung dung viết tiếp những trang đời.

Tôi chân thành cám ơn và nâng niu những bài thơ họa từ các bạn thơ gửi tới tặng tôi nhân dịp vào tuổi Bảy Mươi. Tôi xin hẹn, nếu có thể, sẽ giành thời gian chia sẻ với bạn đọc về những cảm xúc của mình trước những bài thơ họa từ các bạn thơ mà tôi đã nhận được đã được xuất bản trong thi phẩm này

Và cuối cùng, tôi xin trích dẫn QĐ của NXB để khép lại bài giới thiệu thi phẩm CBBM:
Ý kiến của BTV NXB:
>Tóm tắt nội dung bản thảo: “Cảm xúc và tinh thần yêu đời, yêu quê hương đất nước của tác giả vào tuổi Bảy mươi.”
> Ý kiến đề xuất: “Bản thảo có nội dung tốt, đề nghị Giám đốc cấp phép để in”. Phan Lê Hạnh Nhơn.
Ý kiến Trưởng ban biên tập:
Đề tài đã được CXB xác nhận số 1908-2015/CXB1DH/06-73/ThuH

Theo QĐ số 84/QĐ-NXBTH, Thừa Thiên Huế, ngày 28 – 7 – 2015, Giám đốc Nguyễn Duy Tờ